Với quy mô gần 40 thành viên đến từ 22 doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành hàng xuất khẩu thế mạnh từ nông sản (gạo, hạt điều, hồ tiêu, cà phê, thủy hải sản) đến các mặt gia dụng, cơ kim khí, đồ gỗ, trang trí nội thất, thủ công mỹ nghệ…. đây là đoàn doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam đến Nam Phi từ trước đến nay.
Hội nghị "Kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Nam Phi" tại thành phố Johannesburg thu hút hơn 100 doanh nghiệp nước sở tại.
Đẩy mạnh khai thác những thị trường mới như Châu Phi là một trong các nhiệm vụ mục tiêu của Chương trình Xúc tiến Thương mại Quốc gia năm 2019. Việc tổ chức Đoàn giao thương được thực hiện với sự phối hợp của Phòng Thương mại và Công nghiệp các thành phố Johannesburg và Cape Town nhằm quảng bá sản phẩm , tìm kiếm các đối tác nhập khẩu, thiết lập quan hệ bạn hàng, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, chương trình hoạt động của đoàn còn giúp doanh nghiệp tìm hiểu, tiếp cận thị trường, nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, thị hiếu khách hàng và yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Phát biểu tại hội thảo “Kết nối Doanh nghiệp Việt Nam - Nam Phi” tại thành phố Johannesburg với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp Nam Phi, Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Vũ Văn Dũng cho biết, quan hệ song phương Việt Nam - Nam Phi đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, trên mọi lĩnh vực: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa. Đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế thương mại, thể hiện rõ trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019 là số lượng các đoàn XTTM, DN Việt Nam sang Nam Phi tăng mạnh so với các năm trước đây, cho thấy triển vọng hợp tác thương mại giữa hai bên rất khả quan và được chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp hai nước tích cực hiện thực hóa trong thời gian tới.
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục XTTM - Bộ Công Thương, Trưởng đoàn XTTM lần này tới Nam Phi cho biết, mặc dù kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi liên tục tăng trưởng trong những năm qua từ mức hơn 600 triệu USD năm 2010 lên hơn 1 tỷ USD năm 2018, nhưng tiềm năng của hai bên vẫn còn rất lớn. Theo bà An, mục tiêu mà đoàn XTTM xác định rõ là giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các DN đang xuất khẩu sang khối thị trường Châu Phi, đặc biệt là thị trường Nam Phi; hỗ trợ DN đã thành công tại các thị trường khác thâm nhập thị trường Nam Phi, làm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của sản phẩm Việt Nam, tận dụng lợi thế của Nam Phi là nền kinh tế lớn nhất châu Phi, một địa bàn cửa ngõ để các DN Việt có thể thâm nhập thị trường rộng lớn của cả lục địa 1,2 tỷ dân này.
Về phần mình, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nước sở tại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Johannesburg (JCCI) bày tỏ mong muốn những hoạt động xúc tiến thương mại sẽ giúp biến tiềm năng thành những kết quả hợp tác thực tế, mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước cũng như góp phần làm thắt chặt thêm mối quan hệ ngoại giao vốn đã rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Nam Phi.
Khu gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Thương mại Quốc tế châu Phi SAITEX 2019 gồm 22 doanh nghiệp tham gia trưng bày.
Nằm trong chuỗi hoạt động của đoàn xúc tiến thương mại tại Nam Phi, các doanh nghiệp đi cùng đoàn đã tham gia trưng bày hàng hóa tại Hội chợ Thương mại Quốc tế châu Phi SAITEX 2019 lần thứ 26 cũng tại thành phố Johannesburg của Nam Phi. Được đánh giá là hội chợ thương mại lớn nhất châu Phi, SAITEX năm nay có sự tham gia của hơn 320 doanh nghiệp từ 34 quốc gia. Tham gia hội chợ được tổ chức từ ngày 23-25/6 này, 22 doanh nghiệp Việt Nam đến từ 5 tỉnh thành đã quảng bá những sản phẩm thế mạnh của quốc gia như hàng may mặt, gạo, nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, cà phê, cao su, vật liệu xây dựng, hóa mỹ phẩm và hàng kim khí.
Hội nghị "Kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Nam Phi" tại thành phố Cape town thu hút hơn 60 doanh nghiệp tỉnh Western cape.
Cũng trong dịp này, đoàn công tác tổ chức hội thảo "Giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Nam Phi" tại thành phố Cape Town vào ngày 27/06. Ngoài ra, đoàn có các buổi làm việc với các nhà nhập khẩu và hệ thống siêu thị, kênh phân phối lớn của Nam Phi như Advance Cash & Carry, Makro để các doanh nghiệp nắm bắt được giá cả, thị hiếu cũng như các yêu cầu của việc nhập khẩu và phân phối hàng hoá vào các hệ thống chuỗi siêu thị Nam Phi.
Đoàn XTTM Việt Nam làm việc với Bộ Công Thương Nam Phi tại thành phố Johannesburg.
Trong chuỗi hoạt động lần này, đoàn cũng có buổi làm việc với Bộ Công Thương Nam Phi nhằm thông báo các thông tin cập nhật về tình hình hoạt động và phát triển của các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, cũng như xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho những cơ hội hợp tác trong thời gian tới như trao đổi các đoàn xúc tiến thương mại, tham dự và quảng bá tại Triển lãm công nghiệp thực phẩm quốc tế Viet Nam Food Expo 2019 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Các doanh nghiệp tham gia đánh giá cao hiệu quả của hoạt động XTTM và giao thương lần này. Thông qua việc gặp gỡ trực tiếp, kết nối với các đổi tác từ các cơ quan ngoại thương, tổ chức xúc tiến thương mại và cộng đồng các nhà nhập khẩu, doanh nghiệp hỗ trợ kinh doanh của Nam Phi, doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt thông tin cập nhật, cụ thể về hoạt động thương mại và đầu tư tại Nam Phi, các vấn đề cần lưu ý khi đầu tư kinh doanh tại Nam Phi để có kế hoạch, chiến lược cụ thể biến các ý tưởng kinh doanh thành hiện thực, cách thức tiếp cận thị trường xuất khẩu giầu tiềm năng như Nam Phi. Các doanh nghiệp không chỉ lạc quan vào cơ hội phát triển kinh doanh tại Nam Phi, một thị trường cửa ngõ châu Phi rộng lớn mà còn xây dựng được ngay những thỏa thuận hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ lẫn nhau về kinh nghiệm, thông tin, sử dụng sản phẩm của nhau để phát triển kinh doanh cũng như hợp tác đầu tư trong thời gian tới.
Bà Lâm Lệ Chi, Giám đốc công ty Panoramas Commodity, đại diện cho ý kiến chung của các DN Việt Nam cho biết, trải qua hơn 1 tuần làm việc, tiếp xúc trực tiếp với khá nhiều khách hàng từ các công ty nhập khẩu, nhà phân phối đến người tiêu dùng cuối, ngoài một số thỏa thuận nguyên tắc, các DN Việt Nam đã có cơ hội nắm bắt, hiểu rõ hơn về thị trường, về thị hiếu khách hàng, các tiêu chuẩn quy định về hàng hóa, xác định các sản phẩm tiềm năng phù hợp với thị trường châu Phi nói chung và Nam Phi nói riêng. Tuy nhiên, để có thể thành công, theo kinh nghiệm của các DN đã có doanh thu tại châu Phi, DN Việt cần lưu ý một số đặc trưng của thị trường khu vực này như: khó khăn về địa lý, độ tin cậy trong các giao dịch thanh toán, cách thức thanh toán, xác minh năng lực khách hàng...và hơn hết là sự kiên trì, quyết liệt cần có đối với mỗi DN tìm đường xuất khẩu.