Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, ngành dệt may có rất nhiều doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp với khoảng trên 1.200 doanh nghiệp với 610.000 lao động.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 44 tỷ USD, là ngành có tỷ trọng xuất khẩu tăng trưởng nhanh. Năm 2023, mặc dù là năm vô cùng khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 39,5 tỷ USD. Năm 2024 dự kiến bằng mức cao của năm 2022 với nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản,…và xuất siêu của ngành luôn rất lớn. Việt Nam cũng đang có lộ trình giảm phát thảo net zero. Ngành dệt may đã đưa ra chiến lược, định hướng phát triển bền vững.
Doanh nghiệp dệt may "bắt nhịp" phát triển bền vững. Ảnh minh hoạ |
Cụ thể, theo Quyết định 1643/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dệt may và Da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may giai đoạn 2021 - 2030 đạt 6,8% - 7,2%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu đạt 7,5% - 8,0%/năm. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 50 - 52 tỷ USD và năm 2030 đạt 68 - 70 tỷ USD. Tỷ lệ nội địa hoá ngành dệt may giai đoạn 2021 - 2025 đạt 51% - 55% và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 56% - 60%.
Định hướng từ nay đến năm 2030, chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững dựa trên chuyển đổi số, tăng trưởng xanh.
Định hướng từ năm 2030-2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.
Phó chủ tịch VITAS cũng nhận định, điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp rất phù hợp với chủ trương của nhà nước, giảm phát thải khí nhà kính. Doanh nghiệp dệt may thu nhiều lợi ích trong đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà, như phù hợp chủ trương của Nhà nước: Giảm năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết Net-Zero vào năm 2050.
Theo đó, Phó Chủ tịch VITAS chia sẻ, hiện tại khoảng 30 -50% doanh nghiệp tùy theo vùng, miền đã lắp đặt điện mặt trời mái nhà.
Bên cạnh đó, đáp ứng yêu cầu khách hàng: Xanh hóa, tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng tái tạo. Phù hợp định hướng phát triển của ngành từ “nhanh” sang “bền vững”. Với diện tích mái nhà xưởng lớn, nhất là KCN, ông Cẩm cho rằng thuận lợi cho lắp đặt. Tiết kiệm chi phí, chủ động nguồn cung năng lượng, tăng khả năng cạnh tranh về giá và đáp ứng yêu cầu “xanh hóa” sản phẩm.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VITAS cũng cho biết, còn một số khó khăn trong áp dụng mô hình điện mái nhà, và tăng trưởng bền vững.
Cụ thể về cơ chế hỗ trợ vốn, ông Trương Văn Cẩm cho biết, ngành dệt may chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng cần hỗ trợ vốn cho điện mái nhà, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn.
Đồng thời, cần hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng nghề cho nhân lực vận hành. Hợp tác, tạo điều kiện hợp tác giữa đối tác 3 bên gồm doanh nghiệp, nhãn hàng, tổ chức quốc tế…
Nguồn: Báo Công Thương