Ông Đào Công Vũ - Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Bộ Công Thương) – đại diện đơn vị tư vấn lập quy hoạch, cho biết: Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) được lập cho tất cả các nhóm, loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ).
Cụ thể, đối tượng của quy hoạch trong thời kỳ 2021-2030, bao gồm 5 nhóm phân theo mục đích sử dụng, trong đó nhóm khoáng sản làm ximăng gồm đá vôi làm ximăng; sét làm ximăng; cát kết, bazan, laterit, puzolan làm phụ gia xi măng. Nhóm khoáng sản làm đá ốp lát, mỹ nghệ gồm đá dolomit, đá hoa, đá granit, đá gabro, đá bazan, đá metacarbonat.
Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng tháo gỡ nhiều điểm chồng lấn. Ảnh Thanh Tùng |
Tương tự, nhóm khoáng sản làm gốm sứ, vật liệu chịu lửa gồm các loại cao lanh, felspat, đất sét trắng, đất sét chịu lửa, thạch anh, quarzit. Nhóm khoáng sản làm kính xây dựng, bao gồm cát trắng, felspat, đá vôi, dolomit. Cuối cùng là nhóm khoáng sản làm vôi công nghiệp, điển hình là đá vôi, dolomit…
Ranh giới các khu vực phân bố khoáng sản và chế biến khoáng sản làm vật liệu được xây dựng trên cả phần diện tích đất liền, hải đảo và thềm lục địa của cả nước.
Quy hoạch đã phân tích các kịch bản phát triển, dự báo nhu cầu để xây dựng phương án quy hoạch nhằm khoanh định các khu vực khoáng sản đưa vào thăm dò - khai thác thời kỳ 2021-2030 và định hướng cho giai đoạn tầm nhìn đến 2050. Theo đó, đã quy hoạch thăm dò 518 khu vực khoáng sản giai đoạn 2021-2030 và 177 khu vực giai đoạn tầm nhìn đến 2050; quy hoạch khai thác 774 khu vực giai đoạn 2021-2030 và 931 khu vực giai đoạn tầm nhìn đến 2050. Tổng tài nguyên, trữ lượng huy động vào quy hoạch là 26,6 tỷ tấn các loại khoáng sản và 2,25 tỷ m3 đá làm ốp lát.
“Đặc biệt, Quy hoạch đã cơ bản thống nhất và giải toả những chồng lấn, vướng mắc trong các quy hoạch liên quan do các đơn vị khác lập, quy hoạch địa phương”, ông Đào Công Vũ cho hay.
Cụ thể, quy hoạch Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái chồng lấn với 24 khu vực khoáng sản đã được cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác, với tổng diện tích 562,21 ha. Tỉnh Yên Bái đã ban hành Quy chế quản lý vùng lòng hồ Thác Bà và đã làm việc với Hiệp hội các doanh nghiệp khai thác - chế biến đá để thống nhất các giải pháp. Theo đó, các khu vực mỏ vẫn được phép tiếp tục sản xuất khi đảm bảo quy định pháp luật, sẽ được tính toán đền bù khi bị yêu cầu phải dừng hoạt động. Quy hoạch thống nhất với hướng giải quyết nêu trên của tỉnh Yên Bái và vẫn tiếp tục quy hoạch các khu vực khoáng sản đá trắng đã được cấp phép thăm dò, khai thác.
Liên quan đến định hướng phát triển quy hoạch chung thành phố Hạ Long và khu vực dành riêng cho nhiệm vụ phòng thủ, tỉnh Quảng Ninh đề xuất đưa ra khỏi Quy hoạch 1 khu vực đá vôi trắng và 1 khu vực sét làm xi măng với tổng diện tích 99,02 ha. Đây là 2 khu mỏ đã được cấp phép thăm dò nguyên liệu phục vụ cho Nhà máy xi măng Hạ Long giai đoạn II và Nhà máy xi măng Thăng Long II. Bên cạnh đó, các dự thảo quy hoạch thành phố đều đang định hướng, các cơ sở sản xuất xi măng giữ nguyên công suất, không mở rộng nâng cấp để ngoài năm 2030 có thể sẽ dừng khai thác, vận hành. Do vậy, Quy hoạch chỉ tiếp tục quy hoạch các mỏ nguyên liệu đã cấp phép khai thác, đã thăm dò đảm bảo điều kiện hoạt động cho các Nhà máy xi măng hoạt động theo quy mô công suất hiện đã đầu tư.
Quy hoạch khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú, tỉnh Quảng Trị có diện tích 500 ha chồng lấn với khu vực khoáng sản cát trắng Bắc và Nam Cửa Việt, huyện Triệu Trạch, UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị đưa 2 khu vực này ra khỏi Quy hoạch. Theo đó, đơn vị tư vấn đã xây dựng phương án đưa khu vực khoáng sản cát trắng Bắc và Nam Cửa Việt, Triệu Trạch vào hạng mục Quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời kiến nghị, trước khi xây dựng các công trình hạ tầng, cần tiến hành đánh giá và có phương án khai thác tận thu cát trắng, tránh lãng phí tài nguyên khoáng sản.
Việc thống nhất cũng như giải quyết được các vướng mắc, chồng lấn trong Quy hoạch theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh là rất cần thiết. Bởi lẽ, quy hoạch, khai thác, chế biến khoáng sản không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội của các địa phương mà còn là vấn đề đảm bảo an ninh quốc phòng. Do vậy, Thứ trưởng cũng mong muốn, trong triển khai Quy hoạch, Bộ Xây dựng nhận được sự ủng hộ, hợp tác của các địa phương, Bộ ngành khác. “Trong trường hợp có vướng mắc nảy sinh các đơn vị phối hợp cùng Bộ Xây dựng nghiên cứu, giải quyết”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Công Thương