Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thông qua việc triển khai các đề án tổ chức hội chợ triển lãm, phiên chợ hàng Việt, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại phát triển thị trường nội địa, đặc biệt tạo lập kênh phân phối, hệ thống bán lẻ ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn. Các hoạt động phân phối hàng Việt đến khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa... góp phần tích cực giúp các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các hợp tác xã tiếp cận người tiêu dùng tại thị trường trong nước, quảng bá tới người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, phong phú, giá cả hợp lý.
Đến nay, số lượng doanh nghiệp tham gia đạt 32.154 lượt, giá trị hợp đồng đạt hơn 340 tỷ đồng, doanh thu bán hàng tại hội chợ và các phiên chợ là hơn 1.422 tỷ đồng. Các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo được tổ chức thường xuyên với quy mô trung bình 10 - 20 doanh nghiệp/phiên với doanh số bán hàng 20 - 50 tỷ/phiên.
Các hội chợ hàng Việt là cơ hội đưa hàng hóa đến gần với người tiêu dùng
Đơn cử, công tác đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong thời gian qua được các địa phương rất quan tâm và đã trở thành một trong các nội dung trọng tâm hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đến nay, các đợt bán hàng đã thu hút được đông đảo người dân địa phương đến thăm quan, mua sắm; bước đầu đã tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm nội địa (gắn với Chương trình bình ổn thị trường).
Theo thống kê kể từ khi có Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, số lượng các đợt bán hàng Việt về nông thôn cũng tăng lên cả về số lượng và quy mô tùy theo từng địa bàn, đồng thời cũng cho thấy sự chủ động, tích cực, sáng tạo của nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia như Hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op Mart, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Công ty Kỹ nghệ súc sản (Vissan), Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, Công ty cổ phần Intimex, Công ty TNHH Ba Huân, Sài Gòn Satra...
Trong 10 năm qua, các Sở Công Thương tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức được gần 4.000 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 100.000 lượt doanh nghiệp tham gia với hơn 78.000 gian hàng, thu hút hơn 5 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan mua sắm và doanh thu mang lại là hơn 64,47 nghìn tỉ đồng. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan mua sắm mà còn thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia…
Các Sở Công Thương cũng đã tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá và đưa sản phẩm tới người tiêu dùng một cách hữu hiệu. Thông qua đó, thay đổi dần thói quen tiêu dùng của người dân, thay đổi nhận thức của doanh nghiệp đối với thị trường trong nước. Theo thống kê tính từ khi thực hiện Cuộc vận động đến nay, các Sở Công Thương đã tổ chức thực hiện được 2.988 hội chợ, triển lãm, thu hút 105.650 lượt doanh nghiệp tham gia, với doanh thu bán hàng là khoảng 34.546 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các Sở Công Thương cũng đã phối hợp tiếp nhận theo dõi gần 6.000 hội chợ, thu hút hơn 1.290.000 lượt doanh nghiệp tham gia.
Các hội chợ tại địa phương đã đóng góp tích cực giúp các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng tại thị trường trong nước, quảng bá tới người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Mỗi hội chợ 200 - 450 gian hàng, doanh thu trung bình đạt từ 20 - 50 tỷ đồng. Ngành hàng tham gia hội chợ rất đa dạng, phong phú gồm các mặt hàng truyền thống của địa phương, đồ may mặc, đồ dùng gia đình, sành sứ, hóa mỹ phẩm, thủ công mỹ nghệ, các mặt hàng văn hóa phẩm, chế biến, bánh kẹo, giày dép, đồ gỗ nội thất… Nhờ các chương trình này, hàng Việt có cơ hội được quảng bá và đưa đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, hiệu quả.